Hàng triệu người về Giỗ tổ Hùng Vương

02:57 |
Hàng triệu người về Giỗ tổ Hùng Vương

Lễ hội Đền Hùng năm nay diễn ra trong 5 ngày (5-9/4) với các sự kiện văn hóa nghệ thuật đặc sắc, ước tính thu hút hơn 5 triệu lượt khách viếng thăm.
Lễ hội được khai mạc ngày 5/4 tại khu di tích Đền Hùng (Việt Trì, Phú Thọ) với các gian hàng, triển lãm giới thiệu về văn hóa lịch sử vùng đất tổ. Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Phó giám đốc sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ cho biết, ban tổ chức ước tính 5 triệu lượt khách đến dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng trong dịp lễ hội.

Trong thời gian lễ hội, từ sáng đến đêm, các ngôi đền trong quần thể di tích Đền Hùng đón hàng ngàn lượt khách lên thăm và thắp hương.

Đúng 7h sáng ngày 9/4 (tức ngày mồng 10/3 âm lịch), nghi lễ dâng hương Giỗ tổ Hùng Vương đã diễn ra trang trọng với sự tham gia của lãnh đạo Trung ương và địa phương.
 

100 nam thanh niên - tượng trưng cho 100 người con trong truyền thuyết Mẹ Âu Cơ mặc đồ cổ trang diễu hành từ trung tâm lễ hội lên Đền Thượng.

Những trai tráng khỏe mạnh, ưu tú được chọn để rước kiệu lên Đền Thượng.

Người dân hào hứng tụ tập kín hai bên đường để xem, quay phim, chụp ảnh nghi thức dâng hương. Anh Võ Minh Sang (Hải Phòng) cho biết, anh và gia đình lên đây từ sáng qua để tham dự lễ hội. "Đây là một dịp tốt để con cháu trong nhà vừa đi chơi, đi lễ, vừa thêm hiểu biết về lịch sử dân tộc", anh Sang chia sẻ.

Các ông Lê Hồng Anh, thường trực Ban bí thư, Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam và Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Hoàng Tuấn Anh, chủ trì lễ dâng hương.

Chủ tịch tỉnh Phú Thọ Chu Ngọc Anh thay mặt ban tổ chức đọc trúc văn bắt đầu nghi lễ dâng hương các vị Vua Hùng.

Sau khi các nghi lễ chính kết thúc, lực lượng an ninh và ban quản lý di tích bắt đầu để người dân vào viếng thăm.

 

Dù ban quản lý di tích đã bố trí các khay, đĩa để khách đặt tiền lễ, tiền công đức nhưng hiện tượng rải tiền lẻ bừa bãi vẫn diễn ra. Cánh cửa chính dẫn vào Hậu Cung ở Đền Thượng bị nhét kín tiền lẻ.

Khu vực giếng cổ bị người dân thi nhau ném tiền vào trong. Anh Đỗ Thanh Trung (Hà Nội) đang vo tiền, khuyến khích con trai ném trúng miệng giếng để cầu may cho biết, thấy mọi người làm anh cũng làm theo, hy vọng con trai ném trúng sẽ được các Vua Hùng phù hộ.

Các bãi gửi xe xung quanh di tích đều chật cứng từ sáng đến tối. Giá gửi xe được niêm yết 15.000 đồng cho xe máy và 20.000 đồng cho ôtô. Tuy nhiên, do lượng xe quá lớn, dịch vụ trông xe tự phát tại các nhà dân lân cận đẩy giá trông giữ lên 30-50.0000 đồng một xe.


Các bãi cỏ ven đường dẫn lên Đền được sử dụng để trải chiếu làm nơi nghỉ chân, ăn uống. Tình trạng xả rác gây mất mỹ quan. Dịch vụ cho thuê chiếu cũng nở rộ với giá dao động từ 15-20.000 đồng/chiếc.
 

Mai Uyên
Read more…

Thông điệp cho hậu thế!

07:24 |
PTO- Trong lịch sử ra đời và phát triển của các quốc gia trên thế giới, chưa có quốc gia nào lại có truyền thuyết về lịch sử hình thành dân tộc một cách sinh động và đầy tính thuyết phục như truyền thuyết về các Vua Hùng chọn đất đóng đô dựng nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã tìm ra bức thông điệp của những truyền thuyết dân gian ấy và khái quát hoá thành chân lý bằng lời dạy bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” để các thế hệ cháu con cùng nhau gìn giữ “giang sơn bờ cõi” và viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc đến hôm nay và cả mai sau. Xuyên suốt mấy nghìn năm lịch sử, bức thông điệp ấy luôn được các thế hệ người Việt Nam kế tiếp nhau gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống, trở thành "quốc bảo" của cả dân tộc Việt Nam. Cũng từ bức thông điệp vô cùng quý báu của cha ông ta đã để lại cho hậu thế hôm nay, Đảng và Nhà nước ta đã làm tăng thêm giá trị của bức thông điệp và ngày càng làm sáng tỏ ý nghĩa lý luận to lớn về bản chất mang tính quy luật của lịch sử, làm cho nó trở thành như một quy luật bất biến của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tiến trình lịch sử dân tộc: “ Dựng nước phải đi đôi với  giữ nước”.
Các thế hệ cha ông mong muốn gửi cho hậu thế bức thông điệp qua việc tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương để luôn nhắc nhở các thế hệ cháu con về cội nguồn dân tộc và tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên theo triết lý: "Cây có gốc, nước có nguồn, con người có Tổ, có Tông" thể hiện lòng biết ơn, tri ân công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước Văn Lang như trong bộ sách sử "Việt Sử Lược" xưa nhất của nước ta còn lưu lại đã chép thì vào thời đại tương đương với vua Trang Vương nhà Chu ở Trung Quốc (696- 681 Tr.CN): "Ở vùng Gia Ninh có một dị nhân có khả năng dùng phép thuật thần kỳ để thuần phục các bộ lạc ở đó và tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang và đặt Quốc hiệu là nước Văn Lang, biết cách ghi chép sự kiện bằng cách thắt các nút dây thừng và biết làm chính trị, truyền được 18 đời tự gọi là Hùng Vương".
Thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức nguyên niên (1470) đã cho soạn Ngọc phả Hùng Vương với tên gọi đầy đủ là: “Hùng đồ thập bát diệp Thánh Vương ngọc phả cổ truyền”, trong đó ghi rõ: "... Hoàng triều ta chuẩn cho miếu,  điện và các làng đăng cai là thôn Trung Nghĩa xã Nghĩa Cương được miễn tô thuế, tạp dịch để phụng thờ theo lệ cũ để dài lâu quốc mạch, lưu thơm muôn đời, thịnh cường mãi...".
Đến triều đại vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), sau khi đã giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ 20 năm của phương Bắc, đã khẳng định nền độc lập tự chủ và nền văn hiến lâu đời của nước Đại Việt qua bản tuyên ngôn về lòng tự tôn dân tộc bằng nguyên lý: “Vật gốc từ Trời, người gốc từ Tổ, ví như nước và cây phải có gốc nguồn... Vì rằng gốc có vượng thì lá mới tốt, nguồn có sâu thì dòng mới dài, nếu không có nhân ân của đời trước bồi đắp dày dặn, phúc trạch đời trước chung đúc lớn lao, thì làm sao lại có thể được như (ngày nay) vậy”. (Lời tựa sách “Lam Sơn thực lục”).
Trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên- bộ sử đầu tiên của nhà Lê đã ghi rõ quan điểm nhìn nhận, xác định giá trị về nguồn gốc của dân tộc cũng đã nói đến núi Nghĩa Lĩnh - nơi có Đền Hùng và giỗ Tổ Hùng Vương cùng với sự tự tôn dân tộc với các quốc gia láng giềng khác: "Sử để ghi chép việc, mà việc hay hay dở dùng làm gương răn cho đời sau... Nước Đại Việt ta ở phía Nam Nghĩa Lĩnh, thế là trời đã chia vạch Nam Bắc. Thuỷ tổ ta ra tự con cháu Thần Nông thị. Thế là Trời đã sinh ra chân chúa. Vì thế mới cùng Bắc triều đều làm chủ một phương”.
Giỗ Tổ Hùng Vương là nghi lễ thiêng liêng nhất trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của các thế hệ đi trước tri ân công đức các Vua Hùng đã trở thành biểu tượng của nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thông qua việc tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương là vấn đề linh thiêng nhất của tín ngưỡng đặc trưng văn hóa Việt Nam. Đó cũng chính là nền tảng cho lòng tự hào về một dân tộc có cội nguồn, có bản sắc văn hóa riêng và có nền độc lập chủ quyền về biên  giới quốc gia đối với các nước lân cận.
Thời Lê qua thời Tây Sơn tồn tại tuy ngắn ngủi, nhưng trong sách Nam Việt thần kỳ hội lục viết vào năm 1763 có ghi về việc triều đình ban sắc phong cho các địa phương thờ Hùng Vương thuộc xứ Sơn Tây viết: "...Thánh Tổ Hùng Vương đền thờ chính tại xã Hy Cương, huyện Sơn Vi, xứ Sơn Tây (đã được ban sắc phong). Dân các xã thuộc các huyện, xứ cùng phụng thờ tổng cộng có 73 xã (trong đó có 12 xã được ban sắc phong, 61 xã chưa được ban sắc".  Năm 1789, Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ sau khi đại phá quân Thanh thắng lợi chỉ một tháng sau đã ban một ân điển có viết: "... Nay Trẫm vâng mệnh trời, giữ việc giáo hoá, xét theo điển cũ thờ tự, chuẩn cho xã Hy Cương được làm dân hộ nhi, ban xuống cho hợp thành ân điển, theo lệ cũ làm trưởng tạo lệ...".
Thời nhà Nguyễn (1882-1945), với chủ trương nêu rõ nguồn gốc của quốc gia nên Đền Hùng và việc phụng thờ Hùng Vương càng được đề cao. Triều đình chuẩn y cho chép vào bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục mở đầu từ thời đại Hùng Vương. Hàng năm, triều đình liên tục cử các quan đại thần và cấp tiền để tu bổ, xây dựng đền thờ và Lăng mộ Hùng Vương ở Đền Hùng. Quy định Xuân, Thu nhị kỳ hàng năm mở hội làm lễ tế. Hùng Vương được đưa vào hàng Thượng đẳng thần và rước linh vị các Vua Hùng từ Đền Hùng vào thờ tại miếu "Lịch đại đế vương" giữa kinh đô Huế.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh số: 22C NV/CC, ngày 18- 2 - 1946, quy định về các ngày nghỉ lễ, trong đó có ngày giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ 1 ngày. Ngày 11-4-1946,  nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương đầu tiên của nước Việt Nam vừa giành được độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý để nhân dân thủ đô Hà Nội tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương với các nghi thức truyền thống trọng thể ngay tại Thủ đô Hà Nội. Lần đầu tiên một nguyên thủ Quốc gia, Chủ tịch nước Việt Nam mới đã đến dự cùng với đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô với linh khí thiêng liêng của ngày giỗ Tổ hòa quyện với tinh thần cách mạng trong ngày độc lập dân tộc vừa thành công đã để lại dấu ấn sâu sắc trong ký ức của đông đảo quần chúng nhân dân thủ đô như một mốc son không thể nào phai.
Cùng thời gian đó, quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu một đoàn đại biểu của Chính phủ đã đích thân lên Đền Thượng trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng tại Phú Thọ dự lễ và đã dâng lên ban thờ Tổ Tiên tấm bản đồ non sông gấm vóc Việt Nam và một thanh kiếm để thể hiện ý chí "Độc lập tự do; Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của toàn dân quyết giữ vững nền độc lập non trẻ của Tổ quốc.
Kế tục truyền thống giỗ Tổ Hùng Vương và để tôn vinh giá trị tinh thần to lớn của di sản văn hóa truyền thống. Đảng, Nhà nước và Chính Phủ đã chính thức quy định ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày Quốc lễ của toàn thể dân tộc.
Đặng Đình Thuận
Read more…

"Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba"

07:20 |
"Dù ai đi ngược về xuôiNhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba"
Đã là người Việt Nam không ai là không biết đến câu ca ấy và đến ngày Giỗ Tổ hàng triệu bước chân của con Lạc cháu Hồng lại nô nức hành hương về Đền Hùng, thành kính một niềm tin thiêng liêng trở về cội nguồn dân tộc. Từ nhiều năm nay tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương đúng với tầm vóc là lễ hội lớn của dân tộc. Đặc biệt, sau khi "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tháng 12 năm 2012, lễ hội Đền Hùng năm Qúy Ty  2013, đã được tổ chức rất trang trọng,  thiêng liêng, hoành tráng gắn với việc vinh danh gây ấn tượng sâu đậm trong lòng đồng bào và du khách.

Theo thống kê của BQL Khu di tích Lịch sử Đền Hùng, từ mùng 1 Tết Nguyên Đán đến giữa tháng 2 âm lịch đã có hơn 1 triệu lượt người hành hương về Đền Hùng  dâng hương tri ân công đức Tổ tiên.
Ảnh: Đinh Vũ

Trần Văn QuangTheo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và  Du lịch năm 2005, toàn tỉnh có 326 di tích thờ Hùng Vương, vợ con, tướng lĩnh và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương trải rộng ở các địa phương trong tỉnh, trong đó  Đền Hùng là trung tâm thực hành tín ngưỡng lâu đời nhất. Theo dòng chảy của thời gian, trải qua bao biến cố thăng trầm, di sản văn hóa của dân tộc vẫn trường tồn và ngày càng phát triển. Nếu lấy Đền Hùng làm tâm điểm và mở rộng ra xung quanh với bán kính vài chục km, ta thấy dày đặc các giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể: Đó là kho tàng văn hóa dân gian với biết bao truyền thuyết lịch sử, tục hèm  thờ cúng , nghi thức lễ hội, trò diễn hội làng... liên quan đến thời đại Hùng Vương được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Từ huyền thoại lịch sử về Cha Lạc Long Quân kết duyên cùng Mẹ Âu Cơ sinh ra đồng bào ta trong "Bọc trăm trứng", đến những việc trọng đại quốc gia: Chọn đất đóng đô, cầu người hiền tài giúp vua giúp nước đánh  giặc ngoại xâm, chọn người kế vị, cầu mùa màng tốt tươi đến việc thường ngày: Dạy dân cấy lúa, chăn tằm ươm tơ, làm bánh  nấu mật, ca hát giao duyên... Mỗi một truyền thuyết đều gắn với một địa danh, một lễ hội cụ thể ở vùng Đất Tổ. Đến Phú Thọ,  nghe các câu chuyện kể về thời các Vua Hùng, xem các di vật khảo cổ ta có thể hình dung một cách rõ nét về cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất, đánh giặc giữ làng và nhiều phong tục tập quán của ông cha ta từ buổi đầu dựng nước. Ngoài tín ngưỡng và lễ hội Đền Hùng, còn có những lễ hội dân gian rất đặc sắc gắn với các thời đại Hùng Vương liên quan tới Đền Hùng và vùng phụ cận của Đền Hùng.

Tại khu vực Đền Hùng hiện vẫn còn bảo lưu khá nhiều dấu tích về thời dựng nước. Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh có Điện Kính Thiên (điện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh), tương truyền đây là nơi các Vua Hùng lên tế lễ trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa , muôn dân no đủ , cũng là nơi thờ thần Núi, thờ hạt Lúa thần. Trên đỉnh núi Trọc lớn nằm liền kề núi Nghĩa Lĩnh có hòn đá Cối Xa (còn gọi là đá Ông, đá Bà) gắn với nghi thức cầu sinh thực khí. Tại Đền Trung theo truyền thuyết là nơi các vua Hùng bàn việc nước, cũng là nơi Hoàng tử Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh giầy trong cuộc thi chọn người kế vị thời vua Hùng thứ 6. Khu vực Đền Hạ tương truyền nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng nở thành 100 người con trai là nguồn gốc của cộng đồng người Việt. Đền Giếng là nơi thờ hai công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa con gái vua Hùng thứ 18...
Khởi nguyên là tín ngưỡng thờ thần Núi và suy tôn thờ Vua Hùng - người có công cao như núi mà sau này các triều đại nhà nước phong kiến đã truy phong những mỹ tự ghi tại các bài vị thờ ở đền Hạ, đền Trung, đền Thượng. Bước sang  thế kỷ XV triều Lê, là giai đoạn lịch sử có sự phát triển đặc sắc trên nhiều phương diện trong đó có việc đề cao Nho giáo với tư tưởng trung hiếu. Vì vậy, việc tôn vinh di tích Đền Hùng và các Vua Hùng có công dựng nước đã phát triển lên một tầm cao mới trong hệ tư tưởng văn hóa Việt Nam. Vua Lê Thánh Tông năm Hồng Đức nguyên niên ( 1470) đã cho soạn thảo Ngọc phả Hùng Vương, phong cho dân làng Cổ Tích - Hy Cương là "Dân trưởng tạo lệ" miễn phu phen tạp dịch để thờ phụng các Vua Hùng. Hàng năm nhà nước cấp 1 quan tiền và 3 đấu gạo cộng với hoa lợi từ ruộng đất mà vua ban không phải nộp thuế để làm lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Đến triều Nguyễn việc phụng thờ Hùng Vương càng được đề cao. Hàng năm triều đình cử các quan đại thần về Giỗ Tổ và cấp tiền tu bổ xây dựng đền thờ, lăng mộ Hùng Vương ở Núi Hùng (lăng Vua Hùng thứ 6 được xây vào năm 1874); và quy định xuân thu nhị kì hàng năm dân chúng mở hội làm lễ tế. Hùng Vương được đưa vào hàng Thượng đẳng thần và cho rước linh vị vào thờ tại miếu  "Lịch Đại Đế Vương" ngay giữa kinh đô Huế. Năm 1917 triều Nguyễn quy định rõ ngày Quốc lễ  là ngày 10-3 âm lịch hàng năm, định lệ 5 năm một lần tổ chức chính hội, năm lẻ là hội lệ. Ngày Giỗ Tổ năm hội lệ, quan tuần phủ tỉnh Phú Thọ về Đền Hùng làm chủ lễ, quan tri phủ, tri huyện làm bồi tế; năm tổ chức hội chính quan Thượng thư bộ lễ của triều đình làm chủ lễ, bồi tế là quan tuần phủ, quan tri huyện sở tại.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 quy định các ngày nghỉ lễ trong năm, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương toàn dân và viên chức được nghỉ một ngày. Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng cùng đoàn đại biểu Chính phủ lên dự lễ Giỗ Tổ, cụ Huỳnh kính cẩn dâng lên ban thờ các Vua Hùng ở Đền Thượng tấm bản đồ Việt Nam và một thanh kiếm thể hiện ý chí của toàn dân tộc quyết tâm giữ gìn bảo vệ đất nước mà Tổ tiên đã gây dựng nên. Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ngày 19- 9-1954 trên đường về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về Đền Hùng kính cáo Tổ tiên, tại đây Người đã nói câu nói bất hủ: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước / Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Trong những năm cuối của thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng đã được Đảng, nhà nước ta tôn vinh ở tầm cao mới, thể hiện ở các văn bản quy định tổ chức Đền Hùng theo nghi thức cấp nhà nước vào các năm chẵn, cấp tỉnh vào các năm lẻ cùng các quy định về tôn tạo bảo vệ di tích Đền Hùng, rừng quốc gia Đền Hùng.... sao cho xứng tầm là di tích xếp hạng đặc biệt của quốc gia, để Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thực sự là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trước đây, hiện nay và mai sau luôn là điểm tựa tâm linh của muôn người đất Việt. Hành hương về Đền Hùng là niềm tin thiêng liêng trở về với cội nguồn dân tộc. Điều đó làm cho mỗi người dân thêm tự hào về truyền thống và lịch sử văn hóa Tổ tiên cha ông để lại; thấy rõ trách nhiệm tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa để có sức sống mãnh liệt lâu bền không chỉ cho hôm nay mà cả muôn đời sau.
Trần Văn Quang
Read more…
.